(Toàn văn bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Giám đốc GELEX đăng tại báo Công Thương ngày 24/04/2017)

Cuối năm 2015, Bộ Công thương thoái hoàn toàn vốn khỏi Tổng Công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam (GELEX). Sau hơn 1 năm thay đổi sở hữu, doanh nghiệp này có bước tiến nhảy vọt cả trên nhiều mặt cả về phát triển thị trường và nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới công nghệ cao. Phóng viên báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng giám đốc GELEX về một số hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua…

PV: Mới đây, GELEX đã ra cho đời 2 sản phẩm công tơ điện tử thông minh và máy biến áp hiệu suất cao sử dụng lõi thép vô định hình, được khách hàng ngành điện và các đối tác đánh giá cao. Xin Ông chia sẻ vài nét về các sản phẩm này?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Nắm bắt xu thế triển khai đề án lưới điện thông minh, từ năm 2012, GELEX và các công ty thành viên đã tập trung nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm thiết bị điện công nghệ cao sử dụng năng lượng xanh. Hiện, GELEX đang sở hữu 2 dòng sản phẩm là công tơ điện tử thông minh công nghệ RF-MESH, hệ thống thu thập dữ liệu công tơ tự động R của GELEX-EMIC và máy biến áp hiệu suất cao sử dụng lõi tôn vô định hình (Amorphous) của THIBIDI.

Cụ thể, nắm bắt xu thế thay thế các công tơ cơ khí bằng các công tơ điện tử đa chức năng, GELEX-EMIC – công ty thành viên của GELEX đã nghiên cứu chế tạo thành công nhiều dòng công tơ điện tử 1 pha và 3 pha. Sản phẩm giúp góp phần vận hành hệ thống điện hiệu quả và tiết kiệm thời gian ghi số công tơ, từ đó tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh sản phẩm công tơ điện tử thông minh GELEX-EMIC, Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI) cũng cho ra mắt dòng sản phẩm máy biến áp hiệu suất cao sử dụng lõi tôn vô định hình (amorphous – AMT). Máy đem lại hiệu quả sử dụng tốt nhờ giảm tổn thất điện năng và làm giảm đáng kể lượng khí thải CO2 ra môi trường, góp phần tiết kiệm năng lượng điện, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu thị trường.

PV: Trong bối cảnh thị trường thiết bị điện luôn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các công ty trong nước và nước ngoài, xin ông cho biết đôi nét về những thuận lợi và khó khăn của công ty trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Để đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển của đất nước, trong Quy hoach Tổng sơ đồ điện VII, đến năm 2020, tổng công suất các nguồn điện phải đạt 60.000MW và đến năm 2030 con số này phải đạt 129.000MW. Điều đó tương ứng với ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành điện phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ thì mới đáp ứng được mục tiêu đề ra. Thị trường rộng lớn với nhu cầu cao là một trong những điểm thuận lợi.

Bên cạnh đó, thuận lợi thứ hai là các nhà máy sản xuất sản phẩm của GELEX đã được khấu hao tương đối lớn, là điều kiện quan trọng để chúng tôi có kế hoạch hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường. Chúng tôi cũng có kế hoạch phát triển manh mẽ hệ thống đại lý bán hàng, hiện tại với hệ thống hơn 2.000 đại lý phân phối các sản phẩm của các đơn vị thành viên trong tổng công ty, đây là yếu tố quan trọng góp phần tạo cơ hội gia tăng sức tiêu thụ sản phẩm của GELEX.

Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường là một trong những khó khăn lớn. Tuy vậy, tôi luôn mong muốn và sẽ định hướng phát triển các sản phẩm của đơn vị cung ứng cho ngành điện đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu cả về thẩm mỹ và chất lượng theo tiêu chuẩn của thế giới.

PV: Sau cổ phần hóa GELEX có những bước tiến nhảy vọt trên nhiều mặt, Ông có thể chia sẻ một số giải pháp mà đơn vị đã thực hiện?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Quan điểm của GELEX là phát triển sản phẩm có chất lượng, tạo thương hiệu mạnh ở trong nước và nước ngoài và sản phẩm sản xuất có giá thành rẻ. Chính vì vậy, GELEX luôn tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp thành viên dựa trên mục tiêu đã đề ra làm thế nào để đạt được kết quả hoạt động tốt nhất.

GELEX tạo điều kiện về vốn cho các thành viên, trực tiếp điều hành nguồn vốn giữa các đơn vị hài hòa hợp lý tạo hiệu quả hoạt động cao nhất, tránh tình trạng đơn vị thành viên này phải vay vốn ngân hàng để sản xuất và phải trả lãi theo lãi suất đi vay nhưng đơn vị thành viên khác lại gửi tiền ngân hàng mà chỉ được hưởng theo lãi suất tiền gửi. Và chính việc kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, định mức tiêu hao nguyên vật liệu nên GELEX có điều kiện hạ giá thành sản phẩm.

Một cơ chế chủ động, kết hợp với công cụ quản trị ưu việt là những yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp đạt các chỉ tiêu SXKD một cách hiệu quả.

PV: Song song với việc sản xuất các sản phẩm chất lượng, xin Ông cho biết định hướng sắp tới của GELEX là gì?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị điện, Ban lãnh đạo GELEX luôn mong muốn được đóng góp nhiều nhất cho hệ thống lưới điện của nước nhà. Một hệ thống lưới điện chạy ngầm hiện đại, thiết bị công tơ thông minh,… đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ, tiết kiệm hàng ngàn tỷ chi phí cho quốc gia là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới.

Trong thời gian tới, với tiềm lực tài chính của mình, GELEX sẽ hướng tới mô hình cho thuê tài chính theo hình thức cung cấp tài chính cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào tài sản cố định như máy móc thiết bị. Với cách làm này, chúng ta sẽ nhanh chóng hiện đại hóa hệ thống lưới điện và hàng triệu người tiêu dùng cũng có điều kiện được sử dụng các thiết bị điện hiện đại, tiêu thụ ít điện năng như: dây cáp điện có chất lượng cao, biến áp đạt chuẩn theo công nghệ các nước tiên tiến…

Không chỉ đặt mục tiêu ngày càng tạo dựng một thương hiệu có uy tín, trong thời gian tới, GELEX sẽ có những cơ chế khuyến khích đội ngũ nhân sự có tâm huyết với nghề, gắn bó với doanh nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp và từng bước tạo nét văn hóa riêng có tại GELEX.

PV: Xin cảm ơn Ông!