Năm 2022, Gelex tiếp tục nâng các chỉ tiêu kinh doanh với chiến lược tăng trưởng thông qua hoạt động M&A.

Tập đoàn Gelex (mã GEX – HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Kỳ họp lần này sẽ tổ chức vào thứ Năm, ngày 12/5/2022 theo hình thức trực tuyến.

Tái cấu trúc, thực hiện hàng loạt thương vụ M&A trong năm 2021

Theo báo cáo của Ban Tổng giám đốc Gelex, năm 2021, tập đoàn hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất đạt 28.578 tỷ đồng, bằng với kế hoạch năm 2021 và tăng 59,2% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.057 tỷ đồng, vượt kế hoạch 60% và tăng trưởng gần 72% so với năm 2020.

“Việc hợp nhất kết quả sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Viglacera – CTCP (Viglacera) đã đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của Gelex”, báo cáo được ký bởi Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn cho hay.

Hội đồng quản trị Gelex cho biết, ngày 24/6/2021, Gelex chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Gelex, qua đó định vị Gelex là một tập đoàn đầu tư và quản lý vốn tại các doanh nghiệp/dự án gắn liền với các thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực thiết bị điện, vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp, năng lượng, nước sạch.

Sau tái cấu trúc, tập đoàn sở hữu và chi phối 2 sub-holdings là Gelex Electric (vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng) chuyên về sản xuất công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp điện) và Gelex Hạ tầng (vốn điều lệ 7.900 tỷ đồng) chuyên đầu tư và kinh doanh mảng hạ tầng gồm bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại, điện, nước sạch…

Các sub-holdings này được định hướng đại chúng hóa để hoạt động của tập đoàn ngày càng minh bạch và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Cụ thể, Gelex Electric đã hoàn tất đăng ký công ty đại chúng vào tháng 12/2021, đăng ký giao dịch trên UpCoM và chính thức giao dịch từ ngày 8/3 vừa qua với mã cổ phiếu GEE. Gelex hạ tầng dự kiến đại chúng hóa và tiến hành niêm yết hoặc đăng ký giao dịch UpCoM trong năm 2022 trên cơ sở Tập đoàn Gelex vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối.

Về hoạt động đầu tư phát triển, trong năm qua, các công ty con do Gelex Electric sở hữu vốn tiếp tục thực hiện đầu tư theo chiều sâu. Về lĩnh vực hạ tầng, Gelex đạ hoàn thành đầu tư cụm 5 dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (tổng công suất lắp đặt 150mW) trước 31/10/2021 để kịp hưởng giá điện ưu đãi, triển khai dự án nước sông Đà giai đoạn 2 và các dự án tuyến ống cấp II.

Về bất động sản, Viglacera đang chuẩn bị bị đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đáng chú ý, Gelex đã khởi công và thi công theo tiến độ dự án “Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê” tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27-29 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Là doanh nghiệp có hoạt động M&A sôi động trong nhiều năm trở lại đây, năm 2021, hoạt động M&A của Gelex tập trung vào việc tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Viglacera (50,21%), tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà từ 60,46% lên 62,46%; tăng tỷ lệ sở hữu tại CADIVI từ 95,82% lên 96,35%. Trong hệ thống Viglacera, công ty này cũng hoàn thành thủ tục mua lại Nhà máy Bạch Mã để đầu tư cải tạo và đất tư phát triển sản phẩm tấm lớn, nâng tỷ lệ sở hữu lên chi phối tại Kính nổi Siêu trắng Phú Mỹ (PFG).

Năm 2022 đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận cao, tiếp tục tìm kiếm các cơ hội M&A

Năm 2022, Gelex đạt mục tiêu doanh thu 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.618 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 27,2% so với thực hiện 2021. Tập đoàn đề nghị không chia cổ tức năm 2021, đặt mục tiêu chi cổ tức năm 2022 tỷ lệ 15%/năm

Với lĩnh vực hạ tầng, năm 2022 Gelex sẽ phát triển có chọn lọc và giải ngân đầu tư theo từng giai đoạn để phát triển dự án trong danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư như: Cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800 MW), Điện gió Gia Lai (100 MW), Điện gió Đắk Lắk (200 MW), Điện mặt trời trang trại Bình Phước 1,2 (480 MW), LNG Long Sơn và các dự án khác.

Năm 2022, Gelex dự kiến tìm kiếm các cơ hội M&A các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án năng lượng sạch như thuỷ điện, điện sinh khối…

Với mảng sản xuất và cung cấp nước sạch, Gelex tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục còn lại giai đoạn 2, nâng công suất Nhà máy Nước sạch Sông Đà lên 600.000 m3/ngày đêm, mục tiêu hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng vào quý IV/2024.

Với mảng bất động sản khu công nghiệp, Gelex tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các khu công nghiệp đang triển khai, chuẩn bị đầu tư gần 1.900 ha các khu công nghiệp mới. Khảo sát, nghiên cứu một số địa điểm để phát triển khoảng 4.300 ha khu công nghiệp/tổ hợp khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị mới tại các địa phương có vị trị có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh.

Về hoạt động M&A, tập đoàn tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi thông qua hoạt động M&A (qua Gelex mẹ và các đơn vị thành viên).

Tiến hành niêm yết hoặc đăng ký giao dịch với cổ phần tại Gelex Hạ tầng và tăng vốn, đăng ký niêm yết với cổ phần Gelex Electric khi cần thiết trên cơ sở Tập đoàn mẹ vẫn nắm tỷ lệ chi phối, đồng thời bổ sung nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu đầu tư chiến lược.

Nguồn: https://baodautu.vn/gelex-dat-ke-hoach-doanh-thu-36000-ty-dong-tiep-tuc-tim-kiem-cac-co-hoi-ma-d163630.html